Áo ngũ thân lập lĩnh là một loại trang phục truyền thống của người Việt Nam, là 1 trong các y quan của Việt phục  ra đời năm 1744, sau cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Áo cho nam có cổ cao, thẳng và vuông tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử. Áo có 5 nút làm bằng kim loại, ngọc, gỗ,… chứ không phải bằng vải như xường xám Trung Quốc. Áo có ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con nằm trong tượng trưng cho mình (người mặc). Tà áo ngũ thân không bó sát người mà rộng tránh khởi niệm tà dâm, càng xuống càng xòe ra, chân/đuôi tà (cuối tà) cong (đường cong hướng lên trên nhưng miệng cười),.  Áo ngũ thân có 2 loại chính là áo ngũ thân tay chẽn (tay áo được bó chẽn vào tay người mặc) và áo ngũ thân tay thụng (hay còn gọi là áo tấc, áo này tay được may rộng ra 20cm đến 30cm tùy vào người mặc, tay áo vuông góc với thân áo và dài bằng hoặc hơn tà áo). Áo ngũ thân từ lúc xuất hiện đến nay đã trải qua trăm năm phát triển, áo ngũ thân không phân biết tầng lớp, giới tính, độ tuổi. (Wiki) 

Trong bài viết này, hãy cùng Ân Vũ tìm hiểu về áo ngũ thân tay thụng hay còn gọi là áo tấc nhé các bạn!

Hoàng thân nhà Nguyễn- Nguyễn Phúc Bửu Thạch (bên trái) mặc áo tấc trong lễ tế Nam Giao

Áo tấc hay còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, áo lễ, áo thụng (ở miền Nam còn gọi là áo rộng), là một trang phục truyền thống của Việt Nam thời phong kiến, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ với cổ đứng cài cúc bên phải (của người mặc), tà áo chắp từ năm mảnh vải, tương tự áo ngũ thân tay chẽn nhưng tay dài và thụng. Đây là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn và sau này, tương tự như áo Vest ngày nay. Cái tên “áo tấc” xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc (10 cm). 

Trong thường ngày thì người ta mặc áo chẽn tay để thuận tiện, nhưng trong lễ lạt trang trọng người ta sẽ mặc áo tay thụng, chính là áo tấc.

Áo thụng  (Ảnh Vnanet.vn)

I/ Cấu tạo của áo 

  1. Thân áo Được ghép bởi 5 mảnh vải (ngũ thân): 2 thân trước, 2 thân sau, và thân con thứ 5 nằm ở phía trước, bên phải người mặc.1 dạng sái y (衩衣). Vạt áo xòe và cong, không may thẳng. Vì vậy khi mặc lên, 2 bên tà cúp lại, không lộ eo như áo dài tân thời. *Lưu ý: vạt không xòe rộng là không đúng quy cách truyền thống.
  2.  Nữu (nút áo) Áo ngũ thân có 5 nút, vị trí cụ thể như trên ảnh. Nút thứ 2 và nút 1 ở giữa cổ phải tạo thành đường thẳng vuông góc với trung phùng đạo (đường ráp vải giữa áo) Chất liệu: làm từ kim loại, gỗ, ngọc…

Áo vua Khải Định, khoảng đầu thế kỷ XX. Đây là áo thường phục của vua Khải Định(1885 – 1925). (Nguồn vnanet.vn).

.

  1.  Cổ áo Cổ áo dựng vuông vắn hoặc vê tròn, ôm khít vào cổ (nữ: 2–3 cm, nam: 3–4 cm) Cổ áo nội y may bằng vải mềm, cổ áo ngoại y may tạo độ cứng và ôm. Khi mặc lên, cổ áo lót trong cao hơn cổ áo ngũ thân *Lưu ý: có một số thợ may giả lĩnh (may thêm vải trắng lên cổ áo) là không đúng quy cách truyền thống, khi đã mặc áo may giả lĩnh thì không mặc áo lót trắng
  2.  Tay áo: 2 loại (thụng/chẽn) Dù cho áo được may theo kiểu thụng hoặc chẽn thì khi trải phẳng ra tay áo vai áo vẫn phải nằm trên một đường thẳng, nách áo rộng giúp thoải mái vận động dễ dàng hơn áo dài tân thời. *Lưu ý: Nếu tay áo dạng tam giác là không đúng quy cách truyền thống, vai áo may cứng như Vest (kiểu tây) là may sai thành áo Ấn Độ (gọi “áo dài nam” là sai. Đáng buồn là hiện tại có nhiều nghệ sĩ, các thanh niên, người lớn không tìm hiểu về văn hóa đều tưởng là áo dài may cứng vai như vest là áo dài nam. Đa số studio nhập từ nhà may áo dài raglan đã quen với kiểu may áo tân thời nữ rồi nên khi khách hỏi áo dài nam thì họ sẽ đưa áo Ấn Độ)
  3.  Áo mặc thường màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ, diềm tay áo. Thường được mặc kèm một chiếc áo lót màu trắng để làm nền cho áo ngoài, thể hiện sự sạch sẽ ở bên trong. Thể hiện quan niệm truyền thống đẹp đẽ của người Việt: cái gì đẹp thì nên giấu vào trong. Áo ngũ thân luôn đi kèm với khăn vấn.

II/ Nội hàm văn hóa sâu sắc trong từng chi tiết áo Ngũ thân cho thấy giá trị đạo đức của người xưa: 

 Áo Tấc được coi là lễ phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Mỗi vạt có hai thân nối sống (tổng cộng bốn vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo, mang hàm nghĩa người làm con cần trọng Hiếu đối với đấng sinh thành đã nuôi dưỡng bao bọc mình. 

Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo, cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín cho thấy người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc, hỏa – Những nhân tố cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ, mang theo ý nghĩa: con người cần sống thuận theo Đạo trời, thuận theo Thiên Ý, thuận theo tự nhiên, thuận theo sự vận hành của vũ trụ. 

Các kiểu áo cổ của phương đông xưa luôn có 1 đường may giữa ở vạt trước và sau áo gọi là “trung phùng đạo”, thể hiện Đấng quân tử nên tìm đạo lý, Kẻ trượng phu gìn giữ tinh hoa, chính trực.

Bức hình duy nhất mà gia đình kịp mang đi trước khi phủ bị bom Việt Minh đánh sập. Ông sơ Lữ Ngọc Inh 【呂玉嚶】1857-1936,di cư từ kinh thành Huế vào Kiến Hoà (nay là tỉnh Bến Tre). Hình chụp vào lễ Thượng thọ Thất tuần (70 tuổi) của ông, mùa hè năm 1927. (Nguồn: FB La Quốc Bảo )

III/ Sự khác biệt trong trang phục thể hiện giá trị đạo đức người xưa và nay 

Không tùy tiện như xã hội hiện đại thích gì làm nấy, quy cách may áo Ngũ thân được quy định nghiêm ngặt, xoay quanh giá trị trọng đức, trọng lễ nghi. 

Thân áo Được ghép bởi 5 mảnh vải (ngũ thân): 2 thân trước, 2 thân sau, và thân con thứ 5 nằm ở phía trước, bên phải người mặc.1 dạng sái y (衩衣). tà áo ngũ thân không bó sát người mà rộng, càng xuống dưới càng xòe ra, chân/đuôi tà (cuối tà) cong (đường cong hướng lên trên nhưng miệng cười) .Vì vậy khi mặc lên, 2 bên tà cúp lại, không lộ eo như áo dài tân thời hiện đại ôm sát cơ thể, dễ khởi sinh dục vọng và tà niệm dâm dục. 

 *Lưu ý: vạt không xòe rộng là không đúng quy cách truyền thống

IV/ Tự hào dân tộc luôn sống trong lòng mỗi con người Việt Nam 

Từ khi chế độ quân chủ sụp đổ thì áo Tấc cũng dần biến mất trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế. Tuy nhiên ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất sau chiến tranh, trong các lễ nghi của các gia đình họ tộc hay nghi lễ tại đình miếu của làng xã ở Thừa Thiên Huế, các vị chủ tế, bô lão tham dự đều mặc áo thụng xanh (tức áo Tấc) để hành lễ. Điều đó cho thấy, áo Tấc chưa bao giờ biến mất trong đời sống xã hội.

V/ Lời kết

Cho dù con người hiện đại có phát triển tới đâu, những giá trị truyền thống vẫn là điều mà chúng ta luôn hướng về, chẳng thế mà ngày càng có nhiều các bạn trẻ đi tìm, muốn phục hưng, muốn trải nghiệm lại những trang phục truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân. Hi vọng các bạn sẽ cùng Ân Vũ lan tỏa và chia sẻ những điều tốt đẹp, làm sống lại những ký ức huy hoàng một thời của dân tộc Việt Nam. 

continue reading

Related Posts