Từ ngàn xưa tới nay, Thượng Thiên dùng đạo nghĩa để quy phạm hành vi của con người. Con người nếu biết kính Thiên, trọng đạo đức sẽ nhận được phúc báo, tránh xa tai họa. Dung mạo dáng vẻ của con người phù hợp với đạo đức lễ nghĩa, là thể hiện nội tâm kính phụng trời đất, tổ tiên, quân chủ, bậc thầy, đồng thời hành vi cá nhân cũng sẽ khống chế được dục vọng, không phóng túng, tránh tổn đức.
Con người thời xưa đề cao giá trị đạo đức thể hiện trong mọi phương diện, trong đó, trang phục là yếu tố quan trọng thể hiện giá trị văn hóa, văn minh, lễ nghi của cả một dân tộc.
Hãy cùng Ân Vũ ngược dòng thời gian, quay trở về truyền thống để tìm hiểu cổ phục thực sự của người Việt bạn nhé! Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa về Áo Nhật Bình.
Áo Nhật Bình – nơi con người hiện đại tìm về cội nguồn.
Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc khi xuất giá. Đối với các triều đại trong lịch sử, việc phân chia cấp bậc thông qua trang phục được thể hiện rất chặt chẽ dựa trên: Chất liệu vải, màu sắc, trang phục đi kèm, kiểu dáng, cách may, họa tiết… Mỗi từng chi tiết nhỏ không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà đều mang trong nó nội hàm về văn hóa và đạo lý làm người sâu sắc.
Công chúa Mỹ Lương (con gái Vua Dục Đức) Nguồn ảnh: Flickr.
Nguồn gốc áo Nhật Bình
Nguồn gốc của áo Nhật bình là loại áo Phi phong của Triều Minh, được Triều Nguyễn tiếp thu, cải cách thành kiểu áo Phi phong đối khâm với những nét riêng, rất đặc sắc. Áo có phần cổ thiết kế to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên mới có tên là áo Nhật bình.
Ý nghĩa Họa tiết và hoa văn trên áo – Biểu tượng cao quý
Cổ áo Nhật Bình được thêu rất cầu kỳ, tinh xảo, đi kèm là phụ kiện cúc áo được làm bằng vàng hoặc ngọc. Dưới cổ áo có thêm 2 dải dây buông xuống, gọi là dải thùy lưu.
Khắp thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ… đính kim tuyến lấp lánh. Các hoa văn trang trí được sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Vì vậy, khi nhìn vào phần màu sắc, hoa văn của áo Nhật bình thì có thể xác định ngay được địa vị, danh phận của người mặc áo.
Hình ảnh “viên phụng” – biểu tượng của phái nữ cao quý trong hoàng cung xưa trên Chiếc áo của hoàng thái hậu Đoan Huy– Ảnh: THÁI LỘC . Nguồn tuoitre.vn
Trừ Nhật bình dành cho bậc Hoàng hậu ra, các kiểu áo Nhật bình khác ở tay áo đều có dải màu ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho dải ngũ hành ứng với Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ và ngũ đức Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Nhắc nhở con người phải tuân theo đạo đức, ước thúc hành vi của bản thân.
Quy định mặc áo Nhật Bình của Phi, công chúa và cung tần triều Nguyễn
Theo “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”, quy định về trang phục của hoàng hậu, công chúa, phi tần trong cung năm 1807 cụ thể như sau:
- Cấp Hậu: Y phục gồm 1 áo bào Nhật Bình được làm bằng sa sợi vàng, trên áo thêu đủ 20 hình rồng, phượng, trĩ, loan và một bộ y phục thường may bằng tơ Bát ti trắng, trên đó có thêu họa tiết rồng phượng. Đi kèm với y phục là mũ và trâm cài. Đối với cấp Hậu sẽ được phát 2 chiếc mũ Cửu long kim phát, 8 cây trâm hình phượng làm bằng vàng và 1 chiếc mũ cửu phượng kim ước phát.
Catalogue của nhà đấu giá giới thiệu chiếc áo của Đoan Huy hoàng thái hậu – Ảnh: CTV
- Công chúa: Trang phục của Công chúa đơn giản hơn cấp Hậu, với y phục chỉ gồm 1 áo Nhật Bình được may bằng sợi sa màu đỏ và thêu hình phượng cùng với 1 chiếc mũ Thất phượng Kim ước phát và 12 cây trâm hoa.
- Cấp cung tần nhị giai: Trang phục của Cung tần nhị giai nhà Nguyễn thời kỳ này có 1 chiếc mũ Ngũ phượng Kim ước phát và 10 cây trâm hoa đi cùng với 1 áo Nhật Bình màu xích đào thêu hình loan may bằng sợi sa, và 1 y phục thường làm bằng tơ Bát ti cũng thêu hình loan ổ.
- Cấp Cung tần tam giai: Đối với cấp này, y phục khá giống với cấp nhị giai, chỉ khác là có màu tím sắc chính, còn về mũ thì bao gồm 1 chiếc mũ Tam phương Kim ước phát và 8 cây trâm hoa.
- Cấp Cung tứ giai: Y phục của cấp Cung tứ giai là 1 chiếc áo Nhật Bình màu tím nhạt may bằng sợi sa và 1 y phục thường may bằng tơ Bát ti trắng, cả 2 y phục đều được thêu hình loa. Và mũ của cấp này là 1 chiếc Phượng kim ước phát cùng 8 cây trâm cài.
Phụ kiện đi kèm với áo Nhật Bình
Phụ kiện đi kèm với áo Nhật Bình thường thấy đó là chiếc cúc áo nạm vàng, hoặc từ ngọc và đá quý. Phần dưới cổ tay áo được trang trí 2 dải dây dài buông xuống, gọi là dải thùy lưu.
Đầu thời Nguyễn, áo Nhật bình thường phối với bộ xiêm y màu bạch tuyết, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về sau, áo Nhật bình được phối với quần màu trắng, đội khăn vành to bản, một dạng kết hợp mà chúng ta thường thấy nhất hiện nay.
Áo Nhật Bình lan tỏa ra dân gian
Sau năm 1945, áo Nhật bình lan tỏa ra dân gian, được phụ nữ Huế rất yêu thích, thường chọn làm lễ phục trong đại sự hôn lễ của mình. Từ một loại trang phục chỉ dành cho nữ giới quý tộc chốn cung đình, áo Nhật bình đã trở thành một loại trang phục phổ thông, dành cho mọi người.
Cặp vợ chồng anh Khánh – chị Quyên tái hiện lễ cưới truyền thống trong trang phục cổ Việt (Nguồn ảnh: DKN)
Dẫu vậy, áo Nhật bình vẫn được xem là loại lễ phục cao cấp, chỉ được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt trang trọng. Áo Nhật bình truyền thống bao giờ cũng được may, thêu hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ và hầu hết các công đoạn đều do nghệ nhân hay những người thợ có tay nghề cao thực hiện theo lối thủ công. Và cũng do điều này mà giá thành của những chiếc áo Nhật bình thường rất đắt. Trong thời Nguyễn, những chiếc áo Nhật bình của Hoàng hậu, Công chúa, phi tần đều do nghệ nhân cung đình may thêu vô cùng công phu, tỉ mỉ trong nhiều tháng trời và mức độ quý giá thì không hề thua kém các bộ đại lễ phục của vương tử, hoàng thân, quan lại cao cấp.
Những hình ảnh tư liệu cho thấy, bộ áo Nhật bình mà Đoan Huy Hoàng Thái hậu (thân mẫu Vua Bảo Đại), Hoàng hậu Nam Phương (vợ Vua Bảo Đại), Công chúa Mỹ Lương (con gái Vua Dục Đức)… mặc đều là những bộ trang phục rất lộng lẫy và đẹp.
Đoan Huy Hoàng Thái hậu (thân mẫu Vua Bảo Đại). Nguồn ảnh: Flickr
Hoàng hậu Nam Phương (vợ Vua Bảo Đại). Nguồn ảnh: Flickr.
Lời Kết
Người xưa ôm giữ những giá trị truyền thống trong từng chi tiết của đời sống, thông qua trang phục nói lên nội hàm đạo đức cao thượng cổ xưa. Nhìn trang phục ta biết cách đối nhân xử thế, biết cung kính lễ nghi.
Ngày nay trong xã hội hiện đại vội vã, những giá trị truyền thống bị mai một, tuy các bạn trẻ cũng có mong muốn trải nghiệm và khôi phục lại những trang phục thời xưa, nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề mặt chứ chưa thực sự hiểu được nội hàm sâu sắc của văn hóa lễ nghi. Mong rằng trang phục và giá trị truyền thống sẽ sớm được khôi phục trở lại, một lần nữa mang tới những giá trị tốt đẹp cho xã hội hôm nay và tương lai.
continue reading